Ngủ trưa như thế nào để cải thiện thành tích chạy bộ?
Hero Wu
Th 6 24/05/2019
2 phút đọc
Đối với người Việt Nam, giấc ngủ trưa đã trở thành một yếu tố khá quen thuộc. Giấc ngủ ngắn này sẽ có thể đem lại sự sảng khoái cho cơ thể. Dù vậy, một giấc ngủ trưa “sai cách” hoàn toàn có thể đem tới những hiệu ứng “phản tác dụng”.
Ở một góc nhìn nào đó, giấc ngủ trưa có thể được so sánh với những thời điểm tăng tốc trong chạy bộ bởi đó đều là những yếu tố tức thời. Đúng là giấc ngủ trưa có thể đem lại cảm giác sảng khoái, phục hồi năng lượng. Tuy nhiên, nếu ngủ không đúng cách, bạn hoàn toàn có thể cảm giác mệt gấp nhiều lần so với trước khi ngủ.
Với các runner, giấc ngủ luôn được chú trọng bởi quãng thời gian nghỉ ngơi này giúp cơ thể lấy lại sự cảm hứng về tốc độ, sức mạnh, tâm trạng và chống đỡ tốt hơn các chấn thương. Dù vậy, ở mọi môn thể thao, các vận động viên thường gặp phải vấn đề khó ngủ, đặc biệt khi vận động mạnh vào ban đêm.
Gần đây, các nghiên cứu về y tế thể thao khẳng định một số lượng lớn vận động viên đã không thể được những giấc ngủ “đảm bảo chất lượng” và việc bổ sung những giấc ngủ ngắn vào buổi trưa là điều rất cần thiết. Dưới đây là một số yêu cầu cần biết đối với những giấc ngủ quan trọng này.
Giới hạn giấc ngủ không quá 30 phút
Cơ thể con người thường rơi vào trạng thái ngủ sâu sau 30 phút. Nếu để cơ thể rơi vào trạng thái này, sẽ khá uể oải để thức dậy. Vì vậy, một giấc ngủ từ 20-30 phút sẽ đem đến hiệu quả tốt nhất.
Ngủ trưa sớm nếu có thể
Hãy để giấc ngủ trưa bổ sung thay vì tác động xấu đến giấc ngủ chính vào buổi tối. Thời điểm phù hợp để bắt đầu giấc ngủ trưa là từ 12h30 đến 13h. Việc ngủ quá muộn vào buổi chiều sẽ khiến giấc ngủ tối bị ảnh hưởng đáng kể.
Không ngủ… cũng không sao
Như đã đề cập ở trên, giấc ngủ trưa chỉ là khoảng thời gian bổ trợ nếu cơ thể không có được sảng khoái tối đa. Do đó, nếu cơ thể không có cảm giác buồn ngủ vào buổi trưa, đừng xem nặng và coi đó là áp lực. Hãy cứ thoải mái và để cơ thể được nghỉ ngơi.