Chóng mặt sau khi chạy bộ - Đâu là nguyên nhân và cách khắc phục
Võ Thị Mỹ Tiên
Th 4 01/09/2021
5 phút đọc
Bạn đã từng cảm thấy chóng mặt, choáng váng sau khi chạy bộ, tập gym? Dưới đây là nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này và cách khắc phúc chúng.
NGUYÊN NHÂN KHIẾN RUNNER CHÓNG MẶT SAU KHI CHẠY BỘ
1. Để bụng đói khi chạy
Nhiều runner xem nhẹ bữa ăn trước khi chạy bộ. Để bụng đói khi chạy có thể là nguyên nhân khiến bạn chóng mặt, buồn nôn. Bụng đói khi chạy bộ khiến cơ thể bị hạ đường huyết, gây ra hiện tượng chóng mặt. Để tránh trào ngược hay nôn mửa, ăn nhẹ trước khi tập khoảng 90 phút là thời gian lý tưởng để bao tử tiêu hóa xong những món dễ tiêu như chuối hoặc bánh mì phết bơ…
2. Không hạ nhiệt
Thông thường khi bạn cảm thấy chóng mặt sau khi tập luyện, đó có thể là do bạn dừng lại quá đột ngột và không cho cơ thể cơ hội hạ nhiệt. Việc hạ nhiệt sau khi chạy giúp máu chảy khắp cơ thể. Dừng đột ngột có thể gây ra chóng mặt vì nhịp tim và huyết áp của bạn giảm quá nhanh. Cuối mỗi buổi chạy hãy hạ nhiệt bằng cách chạy chậm lại, đi bộ hoặc tập 1 số bài tập giãn cơ, điều này cho phép nhịp tim và huyết áp của bạn giảm dần và an toàn.
Theo dõi nhịp tim của bạn và đừng rời khỏi máy chạy bộ cho đến khi nhịp tim của bạn chậm lại 100 nhịp mỗi phút hoặc ít hơn.
3. Thiếu oxy
Thở không đúng cách trong khi chạy hoặc tập thể dục có thể làm bạn bị thiếu oxy để đáp ứng nhu cầu sử dụng của cơ bắp.
Trong quá trình tập luyện, cơ bắp sử dụng nhiều oxy hơn bình thường. Đây là lý do vì sao tim đập nhanh hơn và nhịp thở cũng nhanh hơn. Chóng mặt là một dấu hiệu cho thấy não cần nhiều oxy hơn.
4. Rối loạn nhịp tim
Chứng loạn nhịp tim có thể khiến tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc không đều. Có nhiều tình trạng có thể gây rối loạn nhịp tim, bao gồm bệnh tim mạch hoặc cảm xúc căng thẳng…
Ngoài ra, tập thể dục nặng có thể kích hoạt hoặc khiến các triệu chứng bệnh tim mạch trở nên tồi tệ hơn. Khi bị rối loạn nhịp tim, bạn có thể cảm thấy: chóng mặt, thay đổi nhịp tim, ngất xỉu, khó thở, đồ mồ hôi. Đây có thể không phải là một tình trạng nguy hiểm, tuy nhiên bạn vẫn nên đi khám để chắc rằng mình không gặp một vấn đề mãn tính nào.
5. Mất nước
Bị chóng mặt khi chạy bộ cũng có thể là dấu hiệu của sự mất nước. Uống không đủ nước khi tập luyện có thể khiến bạn bị mất nước. Mất nước khi chạy bộ, tập luyện thể thao rất nguy hiểm, chúng có thể ảnh hưởng đến natri máu và khiến runner dễ bị đột quỵ, đặc biệt là trong thời tiết nóng. Các triệu chứng mất nước bao gồm: chóng mặt, khô miệng, ngất nhẹ, đi tiểu ít, mệt mỏi, yếu ớt.
Để nhận biết tình trạng thiếu nước hay không, sau mỗi buổi tập, bạn quan sát màu nước tiểu, nếu màu vàng sậm là chắc chắn cơ thể đang thiếu nước, nếu màu vàng nhạt hay không màu thì cơ thể đủ nước.
6. Gel năng lượng và thức uống thể thao
Thức uống thể thao là một con dao hai lưỡi. Không ít runner đã trải nghiệm và nhạy cảm với loại thức uống này, vốn chứa nhiều đường. Nếu quả thực đây là nguyên nhân khiến bạn bị chóng mặt khi chạy bộ, thay vì sử dụng thức uống pha sẵn, hãy tự làm thức uống cho riêng mình như nước chanh hay nước cam. Đôi khi, thức uống tự làm còn hiệu quả hơn các loại thức uống đang phổ biến trên thị trường.
Riêng trường hợp gel năng lượng hãy thay thế bằng các loại thực phẩm tự nhiên thích hợp cho việc chạy đường dài như trái cây sấy khô, chuối...
CÁCH KHẮC PHỤC NẾU CHÓNG MẶT SAU KHI CHẠY BỘ, TẬP THỂ DỤC
1. Luôn khởi động trước khi chạy: Khởi động không chỉ giúp làm nóng các cơ mà còn khiến nhịp tim, nhịp thở tăng dần lên thích nghi với trạng thái vận động. Dù bạn tập bất cứ bộ môn nào thì cũng không được quên bước quan trọng này.
2. Tuyệt đối không được chạy xong đừng lại đột ngột: Đừng bỏ qua giai đoạn cool-down. Đây là giai đoạn giúp đưa nhịp tim của bạn từ cao trở về với mức bình thường (khoảng 60-80 nhịp/ phút). Để kết thúc buổi chạy, hãy chạy chậm lại và đi bộ 5-10 phút.
3. Hạ nhiệt và nghỉ ngơi trong vài phút. Tập thở sâu trong vài phút, đảm bảo hít vào sâu và thở ra từ từ. Hít thở đều, tránh thở dốc.
4. Khi uống nước, không được tu 1 hơi, hãy uống chậm. Chú ý bổ sung nước trước, trong và sau khi chạy.
5. Bổ sung dinh dưỡng sau khi tập, hãy ăn nhiều protein, vitamin hay uống Whey.
6. Nếu sức khỏe yếu, để tránh bị choáng, bạn nên tăng đều tốc độ và quãng đường.
7. Nghỉ ngơi hợp lý: Không phải cứ tập càng nhiều thì hiệu quả càng cao. Bạn cần cho cơ thể một thời gian nghỉ ngơi để các cơ bắp kịp hồi phục.
8. Ngoài chạy bộ, bạn có thể tập thêm một bộ môn khác giúp điều hòa hơi thở, cải thiện sức khỏe và vóc dáng như gym, yoga