Dấu hiệu cơ thể cho thấy bạn chạy bộ quá nhiều - Dừng ngay nếu không muốn 'chuốc họa vào thân'
Võ Thị Mỹ Tiên
Th 2 26/07/2021
6 phút đọc
Chạy bộ giúp bạn khỏe mạnh hơn mỗi ngày. Nhưng chạy bộ quá nhiều, sai cách lại phản tác dụng. Để tìm hiểu kỹ hơn về vấn đề này hãy dành ít phút cho bài viết dưới đây.
Với những ai mới bắt đầu chạy bộ rất dễ rơi vào "bẫy tâm lý" chạy cho bằng bạn bằng bè, chạy càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chạy bộ là một môn thể thao chỉ tốt khi người chạy "biết đủ".
Luyện tập quá sức có thể ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất và cảm xúc của bạn. Những newbie rất dễ mắc phải tình trạng này. Do đó, cần lưu ý thiết kế chương trình đào tạo thật hợp lí để tạo động lực chạy cho bạn.
Trong các bài viết về chạy bộ, các chuyên gia luôn khuyên người chạy rằng: Hãy cảm nhận và thấu hiểu cơ thể mình. Vì chỉ mỗi bản thân người chạy mới biết cơ thể họ cần gì. Ví dụ, khi chạy quá nhiều cơ thể luôn gửi đến những lời cảnh báo và 5 dấu hiệu sau chứng tỏ bạn đang chạy quá sức.
1. Chạy bộ quá nhiều có thể gây mất cơ
Việc chạy bộ từ 20-30 phút mỗi ngày và 2-3 buổi/tuần sẽ giúp tăng cường lưu thông máu huyết, cải thiện sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, nếu bạn chạy bộ quá nhiều và sai cách sẽ làm cản trở quá trình tăng cơ. Các nhóm cơ trên cơ thể cũng cần thời gian nghỉ ngơi để phục hồi và tự phát triển.
Khi chạy quá nhiều, quá sức sẽ gây cơ bắp bị tổn thương và yếu đi. Bạn có thể cảm nhận điều này khi thấy sau buổi chạy cảm thấy mệt mỏi, hay dễ chấn thương hơn. Ngoài ra, một dấu hiệu cảnh báo bạn chạy quá sức là: Gan bàn chân bị viêm. Cụ thể bạn luôn cảm thấy đau ở gót chân. Cơn đau này sẽ xuất hiện khi bạn ngủ dậy, thậm chí chỉ vài phút đi bộ cũng bị đau.
Nếu thấy những dấu hiệu trên, tốt nhất bạn nên xem lại lịch chạy bộ của mình nhé. Hãy để thời gian cho cơ thể nghỉ ngơi nữa.
2. Cảm thấy mệt mỏi, chán nản sau một thời gian chạy bộ quá nhiều
Nếu bạn chỉ chạy bộ đơn thuần cho vui, không có 1 mục tiêu nhất định nào phía trước (ví dụ: tham gia giải chạy nào đó) và bỗng nhiên cảm thấy mệt mỏi chán nản, hãy tạm nghỉ một thời gian. Chạy bộ chỉ có tác động tích cực nếu bạn có cảm hứng và dồn tâm huyết để chạy.
Nếu chạy bộ ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của bạn, có thể bạn đang bị quá tải; hãy dành 1 tuần nghỉ ngơi thư giãn trước khi tập lại. Hoặc bạn cũng có thể giảm tần suất chạy và hạn chế tối đa các bài tập nặng nếu bạn không thích gián đoạn quá trình tập luyện. Nhờ đó bạn vẫn có thể duy trì thói quen mà không bị tác động xấu của việc tập quá sức.
3. Nhịp tim tăng cao hoặc đập loạn xạ
Nhịp tim là thước đo đơn giản nhưng chính xác cho tình trạnh thể lực của bạn. Nếu các bài tập nhẹ cũng khiến tim bạn đập loạn nhịp, thể lực của bạn đang có vấn đề. Việc thể lực đi xuống bất thường khiến cơ thể nhanh xuống sức là dấu hiệu cảnh báo rõ ràng bạn đang bị quá tải. Đừng xem nhẹ và phớt lờ vấn đề này.
Ngoài ra, nếu nhịp tim của bạn tăng cao hơn bình thường trong một vài ngày, bạn nên giảm mức độ luyện tập xuống . Nhịp tim tăng cao do tốc độ trao đổi chất tăng lên để đáp ứng các nhu cầu căng thẳng khi chạy. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng các yếu tố khác ngoài chạy bộ có thể ảnh hưởng đến nhịp tim, bao gồm lượng caffeine, hydrat hóa, căng thẳng và giấc ngủ.
Theo dõi nhịp tim lúc nghỉ ngơi bình thường của bạn bằng cách theo dõi nhịp đập buổi sáng trước khi bạn ra khỏi giường. Đồng thời, điều chỉnh lịch chạy hợp lý để nhịp tim có thể trở lại trạng thái cân bằng.
4. Khó ngủ hơn
Luyện tập thể thao, trong đó có chạy bộ luôn gắn với mục đích giúp con người "ăn ngon ngủ yên" hơn. Trường hợp bạn tập luyện mà ăn không ngon, khó ngủ thì hãy xem lại thời gian, rất có thể bạn đang tập luyện quá sức.
Về mặt khoa học, việc chạy quá nhiều mà không nghỉ ngơi sẽ dẫn đến mất cân bằng hoóc môn, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.
5. Suy giảm hệ miễn dịch, dễ mắc bệnh, cơ thể không kịp hồi sức
Một dấu hiệu rõ ràng của việc bạn đang chạy bộ quá nhiều là dễ mắc bệnh. Hệ thống miễn dịch suy yếu khiến bệnh tật xâm nhập cơ thể nhiều hơn, đặc biệt là bệnh cảm cúm hoặc các loại vi rút khác.
Ngoài ra, nếu bạn cảm thấy mình mệt mỏi, cơ thể không kịp phục hồi sau buổi chạy thì đây là dấu hiệu cảnh báo đang chạy quá sức. Điều bạn cần làm lúc này là nghỉ ngơi thay vì tiếp tục chạy.
Tùy vào mỗi người mà có một lịch chạy lẫn nghỉ ngơi khác nhau. Trong cuốn sách Tôi nói gì khi nói về chạy bộ, nhà văn Mukarami cho biết ông không chạy 7 ngày mỗi tuần, mà luôn có một ngày nghỉ. Ông bảo đại ý "cơ thể cần được nghỉ ngơi thì mới có thể chạy tốt được".
Các dấu hiệu trên sẽ giúp bạn đánh giá lại các bài tập của mình để tránh bị quá tải. Hãy nhớ luôn dành thời gian nghỉ ngơi, tham khảo thêm các bài hướng dẫn kỹ thuật, và luôn chạy ở tốc độ phù hợp, nếu không bạn sẽ rất dễ rơi vào tình trạnh quá tải. Cho dù mục tiêu chạy bộ của bạn là gì thì bạn hãy nhớ mục đích quan trọng nhất khi chạy bộ của bạn là vì sức khoẻ. Tập hết sức, chơi hết mình, nhưng phải trong điều kiện cho phép.