Làm thế nào để vượt sông , suối an toàn ?
Trương Văn Hùng
Th 5 03/12/2020
4 phút đọc
Làm thế nào để vượt sông , suối an toàn ?
Gần đây cộng đồng mạng lại một dịp xôn xao với trường hợp du khách bị nước cuốn trôi ở Lạc Dương, Lâm Đồng. KeepDri xin chia sẽ một số kinh nghiệm về vượt suối an toàn trong mùa mưa.
1. Nguyên tắc sinh tồn: Không an toàn không khởi hành. Không an toàn, không vượt suối.
Thường xuyên theo dõi thời tiết và cập nhật tình hình mực nước trong khu vực đi khám phá để đánh giá mức độ an toàn trước khi khởi hành. Trong trường hợp đã đi trong rừng mà mực nước đột ngột lên cao không đảm bảo an toàn thì không vượt suối và phải tìm nơi khô ráo, an toàn để ở lại và chờ nước xuống.
2. Các cách vượt suối thông thường
- Qua suối theo hàng ngang: đây là cách vượt suối đơn giản nhất khi mực nước còn thấp dưới thắt lưng. Lúc này cả nhóm hãy lập thành một hàng ngang, dùng một cành cây thẳng có khả năng chịu lực tốt để mọi người cùng nắm tay đan xen trên cành cây nhằm mục đích hỗ trợ lực cho nhau. Nếu không có cành cây thì có thể choàng tay qua vai và eo nhau. Người khoẻ nhất và có kinh nghiệm nhất nên là người đứng trên cùng theo hướng dòng chảy để cản lực chảy của dòng nước nhằm giảm tác động lực đẩy lên các thành viên khác trong đoàn. Những thành viên còn lại hỗ trợ lực cho người đứng trên cùng để cùng nhau vượt suối. Chú ý: phải cử một người để ra hiệu lệnh (thường là người đứng trên cùng theo dòng nước) để đếm 1,2 và cả đoàn cùng bước tới theo nhịp đều và đúng cự ly nhằm tránh việc bị lệch đoàn sẽ giảm rất lớn sức chống của cả đoàn.
- Qua suối theo hàng dọc: khi nước lên cao ngang bụng thì có thể áp dụng phương pháp này. Cả đoàn kết thành một hàng dọc, tay người ở sau giữ chặt lên vai người ở trước. Người đứng đầu tiên ngược hướng dòng chảy phải là người khoẻ nhất để cản lực nước, những người ở sau sẽ hỗ trợ lực giúp người đứng đầu. Người đứng đầu nên cầm một cành cây hoặc gậy có độ bền và chắc để chống trụ xuống lòng sông, suối nhằm làm điểm bám trụ. Người đứng đầu sẽ có trách nhiệm hô bước để cả đoàn cùng bước theo để tránh việc bị lệch đoàn sẽ gây giảm sức chống. Với kỹ thuật này thì việc di chuyển sẽ là bước sang một bên, sang trái hoặc sang phải tuỳ theo hướng di chuyển.
- Dùng dây vượt suối: dây vượt suối có thể được sử dụng để hỗ trợ khi nước dâng cao. Người mang dây vượt suối phải là người rất kinh nghiệm, có sức khoẻ tốt và bơi giỏi. Giây thừng vượt suối phải là loại dây nổi, nhẹ và bền. Người đầu tiên đưa dây qua suối theo cách là thắt một vòng tròn rộng ở một đầu dây, sau đó choàng chéo qua vai. Lưu ý không được cột thắt dây ở bụng hoặc cầm hay buộc dây ở tay vì trong trường hợp bất trắc khi đang bơi qua suối, người tiên phong có thể dễ dàng luồn tay đẩy dây khỏi cơ thể mình để thoát hiểm nhanh chóng. Góc bơi từ bên này sông qua bên kia sông nên ít nhất là 45 độ tuỳ theo lực chảy của dòng nước. Dây vượt sông suối cũng phải chênh lệch khoảng 45 độ xuôi dòng để người vượt sông giảm được lực đẩy từ dòng chảy.
- Kỹ thuật vượt suối Flying Fox: đây là kỹ thuật đòi hỏi công đoạn set up phức tạp và cần những điểm néo ở cao để tạo thành một dây đu zipline tạm thời để cả đoàn có thể an toàn đu dây qua suối một cách an toàn.
*** Lưu ý
- Không nên mang theo balo hoặc trang thiết bị nặng trên người khi vượt sông suối ở mực nước lên cao
- Luôn luôn có sẵn một đội cứu hộ ở khu vực phía dưới điểm vượt suối và được trang bị dây nổi cứu hộ chuyên dụng. Đây là loại dây nhẹ, bền, nổi và cuộn tròn trong túi đựng dây. Túi đựng dây được kết nối với một đầu dây trong trường hợp cần lấy nước để giúp ném dây xa hơn.
- LUÔN LUÔN GHI NHỚ NGUYÊN TẮC SINH TỒN LÀ KHÔNG AN TOÀN, KHÔNG VƯỢT SUỐI.
Chúc các bạn có những hành trình khám phá an toàn với những trải nghiệm tuyệt vời