Sốc nhiệt khi chạy bộ dưới trời nắng gắt - Một số cách sơ cứu khẩn cấp
Võ Thị Mỹ Tiên
Th 4 02/06/2021
3 phút đọc
Say nắng, say nóng, sốc nhiệt khi chạy bộ là những hiện tượng thường gặp trong mùa hè, đặc biệt trong những ngày nắng nóng cao điểm, nhiệt độ tăng cao đột ngột.
Một trong những vấn đề mà tất cả các runner cả nước phải đối mặt khi chạy bộ ở thời điểm này là thời tiết nóng như đổ lửa. Nắng gắt có thể khiến quãng đường bạn chạy thêm khó khăn gấp bội phần. Chưa kể, thời tiết nắng nóng sẽ khiến bạn bị mất nước, mất nhiệt thậm chí là tử vong vì sốc nhiệt nếu không sơ cứu kịp thời.
Say nắng, sốc nhiệt là gì?
Sốc nhiệt là gì? Đó là thuật ngữ mà dân gian thường gọi bằng những từ dân dã như: say nắng, say nóng. Sốc nhiệt là hình thức tổn thương cao nhất do nhiệt. Nhẹ là say nắng, say nóng, nặng hơn là kiệt sức do nhiệt và nặng nhất là sốc nhiệt.
Định nghĩa về sốc nhiệt là nhiệt độ trung tâm cơ thể cao quá 40 độ C kèm theo có rối loạn chức năng thần kinh trung ương. Nhẹ sẽ mất định hướng, rối loạn tri giác, nặng thì hôn mê. Thống kê cho thấy đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở những người bình thường tập luyện thể thao.
Dấu hiệu sốc nhiệt khi chạy bộ
Dấu hiệu đầu tiên là vã mồ hôi khi cơ thể phản ứng tỏa nhiệt. Nhiệt độ tăng dần, tăng dần đến khi cơ thể không giải phóng được khiến bệnh nhân kiệt sức và ngất xỉu.
Các runner cũng hết sức đề phòng nếu gặp phải các triệu chứng khác của sốc nhiệt, bao gồm: Đau đầu; Chóng mặt và choáng váng; Da đỏ, nóng và khô; Yếu cơ hoặc chuột rút; Buồn nôn và ói mửa; Nhịp tim nhanh; Thở nhanh, thở nông. Nếu nặng hơn, người chạy sẽ có những biểu hiện thay đổi hành vi như nhầm lẫn, mất phương hướng hoặc loạng choạng, thậm chí co giật, mất ý thức, hôn mê…
Xử trí sơ cứu tại chỗ như thế nào nếu sốc nhiệt khi chạy bộ?
Khi phát hiện nạn nhân bị sốc nhiệt hoặc say nắng việc cần làm đầu tiên là phải sơ cứu bệnh nhân. 8 bước cấp cứu say nắng, sốc nhiệt
- Bước 1: Cần nhanh chóng chuyển nạn nhân vào chỗ mát, thoáng khí.
- Bước 2: Cởi bỏ bớt và nới lỏng quần áo, và phun hoặc lau nước mát khắp người.
- Bước 3: Dùng các biện pháp hạ nhiệt bằng quạt tốc độ lớn.
- Bước 4: Nạn nhân nên nằm nghiêng hoặc được đỡ ở tư thế tay chống gối để bề mặt da hứng được càng nhiều gió càng tốt.
- Bước 5: Đắp khăn ước lạnh vào: nách, bẹn, khủy, cổ, ngâm cả bàn tay và cẳng tay vào nước mát.
- Bước 6: Cho uống nước nhạt có pha ít muối.
- Bước 7: Nếu sau 1 giờ thân nhiệt xuống tới 39 độ C là đạt.
- Bước 8: Và nhanh chóng gọi cấp cứu đưa đến cơ sở y tế nơi gần nhất, tiếp tục theo dõi trong vòng 24 giờ tại cơ sở y tế để được khám và sử dụng theo chỉ định của thầy thuốc
Phòng tránh sốc nhiệt khi chạy bộ
Sốc nhiệt và say nắng hoàn toàn có thể phòng tránh được. Hơn thế nữa, việc hiểu biết về các rối loạn do sốc nhiệt gây ra giúp các runner giảm được tỷ lệ bệnh tật và cũng như nguy cơ tử vong. Những việc cần làm để phòng tránh sốc nhiệt do nắng nóng cụ thể là:
- Sắp xếp thời gian chạy vào giờ mát mẻ trong ngày, hạn chế tập luyện trong thời gian cao điểm từ 9g sáng - 4g chiều. Hãy lên kế hoạch dựa trên dự báo thời tiết của hôm đó.
- Hãy chọn quần áo có màu nhạt, may bằng chất liệu có độ thấm hút mồ hôi tốt, có khả năng bao phủ phần lớn cơ thể của bạn.
- Nên đội mũ và đeo kính râm, đặc biệt là phải bôi kem chống nắng trước khi ra ngoài chạy.
Đừng quên bổ sung nước khi tập chạy vào mùa hè.